D-DIMER – một trong các xét nghiệm theo dõi điều trị bệnh nhân Covid-19

Xét nghiệm D-dimer là xét nghiệm sinh hóa được dùng để chẩn đoán huyết khối trong máu. Xét nghiệm có độ nhạy cao và thường dùng kết hợp với phương pháp khác.

1. Xét nghiệm D-dimer dùng để làm gì?

Bình thường trong cơ thể người, quá trình hình thành cục máu đông và quá trình tan cục đông (tạo Fibrin và tiêu Fibrin) luôn cân bằng với nhau. Chỉ cần quá trình này mất cân bằng sẽ gây ra nhiều nguy cơ, như bệnh lý huyết khối nếu tạo fibrin quá mức, hay biến chứng chảy máu khi tiêu fibrin.

D-dimer là sản phẩm thoái giáng của các fibrin được hình thành dưới tác động của Plasmin. Mặc dù D-dimer chỉ là chỉ dấu gián tiếp của quá trình tiêu fibrin được hoạt hóa nhưng rất hữu ích với quá trình đông máu xảy ra. Trong khi đó, sản phẩm thoái giáng của fibrin và fibrinogen đều không cho biết nguồn gốc của nó thoái giáng chính xác từ fibrin hay fibrinogen. 

Thời gian gần đây, y học đã sử dụng đo D-dimer sử dụng các kháng thể đơn dòng để xác định đặc hiệu sản phẩm thoái giáng của fibrin.

2. Thực hiện xét nghiệm D-dimer khi nào

D-dimer là yếu tố chứng minh sự hiện diện của các fibrin trong tuần hoàn, thường được sử dụng để:

2.1. Chẩn đoán bệnh lý huyết khối

Trong 90% trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu và 95% các trường hợp tắc mạch phổi, giá trị D-dimer đều tăng. Chỉ ở 5% những người không có bệnh huyết khối ghi nhận D-dimer tăng.

2.2. Phát hiện bệnh nhân bị tăng đông máu

Với 1 bệnh nhân nằm liệt giường, kết quả xét nghiệm thấy xuất hiện D-dimer có thể gợi ý khả năng huyết khối mới hình thành, là bằng chứng để thăm dò, xác định huyết khối. Bác sỹ sẽ cần dự phòng chống đông cho bệnh nhân để phòng ngừa biến chứng.

2.3. Theo dõi bệnh lý huyết khối theo thời gian

Sự trở lại bình thường của D-dimer ở bệnh nhân mắc bệnh lý huyết khối đánh giá hiệu quả điều trị tiến triển tốt, quá trình hình thành Fibrin đã cân bằng trở lại. Nhưng nếu xuất hiện trở lại các D-dimer trong thời gian theo dõi thì khả năng bệnh lý huyết khối tắc mạch tái phát.

Theo đó, xét nghiệm này được chỉ định để:

  • Giúp chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch đã được hình thành.
  • Chẩn đoán tình trạng đông máu rải rác trong lòng mạch.
Hiện nay D-dimer là một trong các xét nghiệm dùng để theo dõi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 theo phác đồ của Bộ Y tế.

3. Ý nghĩa xét nghiệm D-dimer

Tùy vào phương pháp định lượng mà kết quả xét nghiệm D-dimer ở các cơ sở y tế khác nhau sẽ cho những kết quả khác nhau. Hiện nay, có hai kỹ thuật xét nghiệm D-dimer phổ biến thường được áp dụng là:

  • Xét nghiệm D-dimer ngưng tập trên latex (Latex agglutination D-dimer) có độ nhạy tương đối thấp, do test này không dương tính khi chỉ có một cục đông duy nhất và chỉ dương tính khi có nhiều cục đông được hình thành. Vì vậy, xét nghiệm này đã được chứng minh là test đặc hiệu và nhạy hơn để chẩn đoán tình trạng đông máu rải rác trong lòng mạch. Nồng độ D-dimer được xem là bình thường đối với phương pháp này là <0.5mg/L (hoặc < 500μg/L).
  • Xét nghiệm D-dimer siêu nhạy (ultrasensitive D-dimer) được tiến hành bằng kỹ thuật ELISA hoặc kỹ thuật đo độ đục miễn dịch cho phép định lượng chính xác nồng độ D-dimer. Do đạt độ nhạy cao, test sẽ dương tính khi có một cục đông duy nhất. Giá trị được xem là bình thường đối với kỹ thuật này là nồng độ D-dimer <1,1mg/L.

Kết quả xét nghiệm D-dimer âm tính: Nghĩa là hợp lệ, có khả năng trong máu không có huyết khối. Trong trường hợp cần thiết, có thể các xét nghiệm khác ngoài xét nghiệm D-dimer sẽ được chỉ định thêm để đưa ra khẳng định chính xác nhất.

Kết quả xét nghiệm D-dimer dương tính: Điều này có nghĩa là lượng D-dimer trong máu đã vượt quá mức cho phép, có thể đang có các cục máu đông trong mao mạch.

Tuy nhiên, không phải lúc nào kết quả D-dimer dương tính cũng do sự xuất hiện của cục máu đông. Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng làm tăng D-dimer trong máu như: chấn thương, đau tim, nhiễm trùng, mới phẫu thuật gần đây, mắc bệnh ung thư, do tình trạng fibrin chuyển hóa bất thường.

Trong thai kỳ, Fibrin cũng hình thành và vỡ nhiều hơn, vì thế D-dimer trong máu cũng tăng cao. Bác sỹ có thể kết hợp xét nghiệm D-dimer với aPTT, PT, Fibrinogen, xét nghiệm đo lượng tiểu cầu,… để loại trừ nguy cơ ở phụ nữ mang thai. 

Ngoài ra, xét nghiệm này cũng được sử dụng như một xét nghiệm bổ trợ. Bởi xét nghiệm cho kết quả có độ nhạy cao, nhưng độ đặc hiệu không tốt nên chỉ dùng để loại trừ huyết khối tĩnh mạch sâu.

Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể, bác sỹ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm D-dimer kết hợp với các xét nghiệm khác để đánh giá nguy cơ bệnh toàn diện.

D-DIMER – một trong các xét nghiệm theo dõi điều trị bệnh nhân Covid-19
Scroll to top