Glucose máu

Khi bị đái tháo đường (ĐTĐ), lượng đường huyết của bạn có thể luôn ở mức cao hơn so với bình thường. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe tổng thể chẳng hạn như đột quỵ, bệnh tim hoặc bệnh thận.

1. Chỉ số đường huyết bao nhiêu là bình thường?

Chỉ số đường huyết của bạn sẽ được coi là bình thường nếu chúng thấp hơn 100 mg/dL sau khi không ăn (nhịn ăn) trong ít nhất 8 giờ, và thấp hơn 140 mg/dL 2 giờ sau khi ăn.

Trong ngày, mức độ đường trong máu có xu hướng ở mức thấp nhất ngay trước bữa ăn. Đối với đa số những người không mắc bệnh ĐTĐ thì lượng đường huyết trước bữa ăn sẽ dao động trong khoảng từ 70-80 mg/dL. Ở một số người khác, mức đường huyết dao động từ 60 – 90 mg/dL sẽ được xem là bình thường.

Lượng đường huyết thấp cũng có biểu hiện khác nhau ở từng người. Đối với một số người, mức glucose của họ có thể không bao giờ giảm xuống dưới 60, ngay cả khi họ nhịn ăn trong một thời gian khá dài. Ở một số người khác, mức độ đường huyết của họ có thể thấp hơn một chút. Nhìn chung, khi bạn nhịn ăn hoặc ăn kiêng, gan vẫn sẽ giữ cho lượng đường huyết ở mức bình thường thông qua việc chuyển hóa chất béo và cơ thành đường.

2. Bệnh đái tháo đường là gì?

ĐTĐ là một căn bệnh mãn tính, đặc trưng bởi mức độ đường huyết cao hơn so với mức bình thường. Điều này xảy ra do cơ thể bị thiếu hụt đi hormone insulin, khiến quá trình chuyển hóa đường trong máu bị rối loạn.

Thông thường, hormone insulin được sản xuất ra bởi tuyến tụy. Chúng giữ vai trò quan trọng trong việc vận chuyển các glucose vào các tế bào nhằm cung cấp đầy đủ nguồn năng lượng cần thiết cho các hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu lượng đường glucose vượt quá mức cho phép sẽ khiến cho insulin không thể thực hiện tốt chức năng của mình như bình thường. Lúc này, lượng đường không được chuyển hóa sẽ bị dư thừa trong máu, dẫn đến lượng đường trong máu luôn ở mức cao. Tình trạng này được gọi là bệnh đái tháo đường.

Nếu lượng đường huyết cao trong một thời gian dài mà không được kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đồng thời dẫn đến các vấn đề về sức khỏe khác, chẳng hạn như sự tổn thương ở thận, mắt, hoặc thần kinh.

3. Nguyên nhân dẫn đến bệnh ĐTĐ

Hiện nay, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bệnh ĐTĐ vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, các yếu tố có thể góp phần dẫn đến bệnh ĐTĐ thường bao gồm di truyền, chế độ ăn uống không phù hợp, lối sống thiếu lành mạnh, thừa cân, hoặc béo phì.

Dưới đây là những người có nguy cơ cao mắc bệnh ĐTĐ, bao gồm:

– Người có tiền sử lượng đường huyết cao bất thường hoặc có thành viên trong gia đình mắc bệnh ĐTĐ

– Người lớn tuổi (từ 45 tuổi trở lên)

– Người có mức huyết áp và cholesterol trong máu cao

– Người ít vận động thể chất

– Người có tiền sử mắc bệnh tim

  • Phụ nữ có tiền sử mắc tiểu đường thai kỳ.

4. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh ĐTĐ

Dưới đây là một số xét nghiệm giúp chẩn đoán xem liệu bạn có đang mắc bệnh ĐTĐ hay không, bao gồm:

Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói: Bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện kiểm tra lượng đường huyết của bạn sau khi bạn đã nhịn ăn trong vòng 8 tiếng. Nếu kết quả cho thấy mức đường huyết của bạn cao hơn 126 mg/dL, điều này có nghĩa là bạn đã bị mắc bệnh ĐTĐ.

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống: Bác sĩ sẽ cho bạn uống một loại dung dịch có đường, với điều kiện bạn đã không ăn gì trong vòng 8 giờ. Nếu sau hai giờ, xét nghiệm cho thấy lượng đường trong máu của bạn cao hơn 200 mg/dL thì bạn có thể đã mắc bệnh ĐTĐ.

Kiểm tra ngẫu nhiên: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra chỉ số đường huyết của bạn vào bất kỳ thời điểm nào. Nếu mức đường huyết của bạn vượt quá 200 mg/dL, kèm theo triệu chứng thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều hoặc bạn đã bị sụt cân đáng kể thì chẩn đoán cho thấy bạn đã mắc bệnh ĐTĐ.

Nhìn chung, bất kỳ chỉ số đường huyết nào cao hơn mức quy định đều có hại cho sức khỏe của bạn. Trong trường hợp mức đường trong máu cao hơn bình thường, nhưng vẫn chưa chạm tới mức được cho là bệnh ĐTĐ toàn phát, tình trạng này được gọi là tiền ĐTĐ.

Nếu tiền ĐTĐ không được kiểm soát bằng những thay đổi lối sống lành mạnh theo khuyến nghị từ bác sĩ thì chúng có thể dẫn đến bệnh ĐTĐ. Ngoài ra, nó cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, nhưng mức độ không nhiều như bệnh tiểu đường. Bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa tiền tiểu đường phát triển thành bệnh tiểu đường thông qua một chế độ ăn uống hợp lý, kết hợp với luyện tập thể dục thường xuyên hơn mỗi ngày.

5. Phân loại bệnh ĐTĐ

Hiện nay, bệnh ĐTĐ được phân thành ba loại chính, bao gồm:

Bệnh ĐTĐ loại 1: Đây là một bệnh rối loạn tự miễn, nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể bị nhầm lẫn và tấn công chính tuyến tụy. Điều này làm cản trở quá trình sản xuất insulin và dẫn đến thiếu hụt đáng kể số lượng insulin cần thiết cho các hoạt động chuyển hóa glucose thành nguồn năng lượng của cơ thể, từ đó khiến cho lượng đường trong máu tăng cao. Bệnh ĐTĐ loại 1 thường khá hiếm gặp, và xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ.

Bệnh ĐTĐ loại 2: Đây là loại thường gặp nhất hiện nay, ảnh hưởng lớn đến những người bị béo phì. Khi mắc bệnh ĐTĐ loại 2, cơ thể sẽ bị đề kháng với insulin. Mặc dù hormone insulin vẫn được tiết ra bởi tuyến tụy, nhưng nó không thể chuyển hóa được đường glucose, khiến đường tích tụ dần trong máu. Hầu hết các trường hợp bị ĐTĐ đều mắc phải loại tiểu đường này.

Bệnh ĐTĐ thai kỳ: Thường xảy ra đối với phụ nữ đang mang thai. Nhìn chung, sau khi mẹ bầu chuyển dạ thì tình trạng này có thể tự biến mất. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho cả mẹ và bé nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

6. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường

Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh tiểu đường, bao gồm:

– Đi tiểu nhiều: Khi lượng đường huyết cao sẽ được đào thải qua đường tiểu. Điều này khiến cho thận phải hoạt động quá sức để có thể loại bỏ được lượng đường dư thừa trong nước tiểu. Lúc này, nước trong cơ thể khuếch tán để pha loãng nước tiểu, và khiến cho khối lượng nước tiểu tăng lên, dẫn đến tình trạng tiểu nhiều.

– Thường xuyên khát nước: Đây là một trong những dấu hiệu âm thầm của bệnh ĐTĐ. Khi cơ thể bị mất nhiều nước sẽ cần được bù lại để có thể thực hiện tốt các chức năng. Do đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy luôn khát nước và cần uống nước liên tục.

– Ăn nhiều hơn: Do sự thiếu hụt insulin nên đường glucose không được chuyển hóa thành dạng năng lượng, cho nên bệnh nhân sẽ có cảm giác thèm ăn, nhanh đói, và kích thích ăn nhiều hơn.

– Giảm cân không kiểm soát: Do cơ thể không chuyển hóa được glucose để tạo ra năng lượng, cho nên chúng sẽ phải ly giải mô mỡ và mô cơ để bù trừ. Vì vậy, dù bệnh nhân có ăn uống nhiều hơn bình thường thì cơ thể vẫn bị sụt cân, gầy gò và xanh xao. Tình trạng này thường gặp phải ở người bị tiểu đường loại 1.

Một số triệu chứng khác: Chẳng hạn như buồn nôn, khô miệng, chậm lành vết thương, mắt mờ, mệt mỏi, trầm cảm, tê ngứa ở các chi, nhiễm nấm, hoặc hơi thở có mùi khó chịu.

7. Lượng đường huyết cao ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Glucose sẽ được xem là nguồn nhiên liệu bổ dưỡng đối với tất cả các tế bào trong cơ thể nếu nó luôn ở trong mức bình thường. Tuy nhiên, nó cũng có thể trở thành một loại “chất độc” tác dụng chậm nếu lượng đường trong máu cao kéo dài, thậm chí có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.

Khi lượng đường huyết cao, chúng có thể làm giảm khả năng sản xuất ra các hormone insulin của tuyến tụy. Lâu dần, tuyến tụy có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Ngoài ra, lượng đường trong máu cao cũng có thể làm tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu, hay còn gọi là xơ vữa động mạch.

Thực tế, lượng đường cao trong máu có thể làm tổn thương đến bất kỳ bộ phần nào của cơ thể. Khi các mạch máu bị hỏng sẽ dẫn đến những vấn đề sau:

– Đột quỵ

– Bệnh thận, suy thận

– Đau tim

– Hệ thống miễn dịch bị suy yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng

– Mất thị lực hoặc mù lòa

– Rối loạn cương dương

– Máu lưu thông kém đến chân và bàn chân

– Dây thần kinh bị tổn thương (bệnh thần kinh), gây đau, ngứa ran hoặc mất cảm giác ở bàn chân, cẳng chân và bàn tay

– Khả năng tự chữa lành vết thương chậm, trong một số trường hợp hiếm gặp phải cắt cụt chi.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ cho biết, những người mắc bệnh đái tháo đường nên duy trì chỉ số đường huyết ở mức 70-130 mg/dL trước bữa ăn và dưới 180 mg/dL sau bữa ăn.

8. Làm thế nào để kiểm soát mức đường huyết?

Một số biện pháp để giữ cho lượng đường trong máu ở mức bình thường:

– Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học: Bao gồm nhiều rau xanh, ngũ cốc, các loại trái cây, uống nhiều nước, hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, ăn ít đường và muối.

– Giữ tinh thần thoải mái: Sự căng thẳng cũng là một tác nhân làm tăng lượng đường trong máu, thường xuyên tập thể dục và từ bỏ hút thuốc để nâng cao sức khỏe.

– Sử dụng thuốc: Theo đúng sự chỉ định của bác sĩ, tránh việc bỏ thuốc giữa chừng, hoặc uống thuốc không đúng liều lượng.

Glucose máu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top